Ngày 05/6/2024, Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) đã tổ chức Tọa đàm Công tác giáo trình năm 2024.
Tọa đàm có sự tham dự của PGS.TS Lê Tuấn Lộc – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng và các thầy, cô Ban Giám hiệu, đại diện lãnh đạo các Khoa, đơn vị, trưởng bộ môn cùng các giảng viên, nghiên cứu viên của Trường.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng cho biết Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng trong việc lấy ý kiến và thống nhất về quy trình biên soạn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy để hoàn thiện dự thảo Quy định về tài liệu giảng dạy 2024 của Trường. Việc chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp để nâng cao hiệu quả của hoạt động công tác giáo trình là công tác vô cùng quan trọng.

Toàn cảnh Tọa đàm
Trình bày tham luận về “Thực tiễn công tác giáo trình tại Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật”, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung – Trưởng khoa Luật cho biết hiện nay thủ tục, quy trình và thời gian xuất bản kéo dài đã tác động không nhỏ đến lượng đăng ký viết giáo trình của Khoa Luật trong năm 2023 cũng như thời gian sắp tới. PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung đề xuất Trường cần giảm tải thủ tục hành chính cho tác giả, rà soát điều khoản trong hợp đồng xuất bản với nhà xuất bản để rút ngắn thời gian xuất bản theo nghĩa vụ cam kết. Bên cạnh đó, Trưởng khoa Luật cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường sự đáp ứng về nguồn học liệu tại Trường: thay đổi cách tiếp cận về nội dung của giáo trình, tài liệu học tập; thu hút sự tham gia của nhiều giảng viên có chuyên môn, chuyên gia trong công tác xây dựng tài liệu học tập; xây dựng học liệu bằng ngoại ngữ; phát triển hệ thống học liệu điện tử và vấn đề bảo vệ tác quyền.

PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung – Trưởng khoa Luật trình bày tham luận
Trong dự thảo Quy định về tài liệu giảng dạy 2024, Phòng Sau đại học & Khoa học Công nghệ (SĐH&KHCN) đề xuất quy trình sẽ theo từng bước như sau: (1) Lập kế hoạch, phê duyệt danh mục tài liệu sử dụng và danh mục tài liệu biên soạn; (2) Tổ chức biên soạn, thẩm định; (3) Tổ chức xuất bản và phân phối, phát hành tài liệu. Một số thầy, cô tham dự Tọa đàm cho rằng một vài nội dung, thuật ngữ chuyên môn trong dự thảo chưa hợp lý cần được điều chỉnh; cần làm rõ vai trò của chủ biên trong Quy định; nhà trường nên chú trọng hơn vào khâu phát hành để góp phần quảng bá sản phẩm cũng như mang lại nhiều giá trị cho Trường và cho tác giả,… Liên quan đến công tác giáo trình, nhiều thầy, cô cũng cho rằng cần đánh giá được nhu cầu sử dụng thực của mỗi giáo trình để phát hành với số lượng hợp lý; cần thành lập đơn vị chuyên về phát hành tài liệu giảng dạy, học tập nhằm chuyên nghiệp hóa công tác xuất bản, góp phần mang nguồn thu về cho Trường.

TS Nguyễn Vĩnh Khương – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng SĐH&KHCN báo cáo tình hình xuất bản tài liệu giảng dạy năm học 2023 – 2024 và trình bày khái quát dự thảo Quy định về tài liệu giảng dạy 2024



Các thầy, cô tham dự Tọa đàm đóng góp ý kiến
Kết luận Tọa đàm, Hiệu trưởng Hoàng Công Gia Khánh đề nghị Phòng SĐH&KHCN tiếp thu góp ý của các thầy, cô tại Tọa đàm và điều chỉnh một cách hợp lý các nội dung trong Quy định về tài liệu giảng dạy 2024 của Trường và trình lãnh đạo Trường, sớm ban hành Quy định này. Hiệu trưởng kỳ vọng công tác biên soạn, xuất bản giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo của Trường Đại học Kinh tế - Luật sẽ ngày càng phát triển và được lan tỏa trong thời gian tới để phục vụ nhu cầu học tập, giảng dạy, nghiên cứu của người học và độc giả quan tâm đến các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và luật.

Quý thầy, cô tham dự Tọa đàm chụp hình lưu niệm
Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông