Ngày 28/12/2023, Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) đã phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo “Phát triển năng lượng tái tạo nhìn từ quy hoạch điện VIII: Khai thác dưới góc độ quy định pháp luật và thực tiễn”.
Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng UEL, luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký VIAC cùng hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận định năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng trên thế giới. Theo đánh giá, Việt Nam hiện nay có đủ nguồn năng lượng tái tạo để xây dựng ngành điện quốc gia theo kịch bản phát triển năng lượng bền vững và chính phủ cũng đang có những hướng đi mạnh mẽ thúc đẩy phát triển loại hình năng lượng này. Tuy nhiên, khung pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, cũng như thực tế triển khai từ giai đoạn đầu tư đến vận hành phát sinh rất nhiều vấn đề đặc biệt là rủi ro tranh chấp giữa các bên liên quan. “Chính vì vậy, vấn đề về khung pháp luật cho phát triển năng lượng tái tạo cần phải được quan tâm nghiên cứu, làm rõ từ góc độ học thuật lẫn thực tiễn giải quyết tranh chấp”, PGS.TS Lê Vũ Nam cho biết.

PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng UEL phát biểu khai mạc Hội thảo
Tiếp nối phát biểu của PGS.TS Lê Vũ Nam, luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký VIAC chia sẻ: việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII giúp tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho tiến trình triển khai và vận hành các dự án điện. Tuy nhiên, chúng ta chưa có khung pháp lý điều chỉnh riêng biệt cho lĩnh vực năng lượng; không chỉ vậy, với một số vấn đề phát sinh liên quan đến giá điện, quy trình mua bán điện thời gian vừa qua, việc thực thi Quy hoạch điện VIII cũng trở nên thách thức hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền. Luật sư Châu Việt Bắc nhận thấy Nhà nước và các cơ quan, tổ chức chuyên trách cần nhanh chóng đưa ra các định chế, điều khoản để điều chỉnh chi tiết đối với lĩnh vực năng lượng. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị chiến lược phù hợp để thích ứng với bối cảnh cho đến khi có quy định điều chỉnh và cùng đóng góp, hiến kế cho nhà làm luật để soạn thảo, cấu trúc các điều khoản hiệu quả, tạo thuận lợi cho quá trình đầu tư, vận hành các dự án về năng lượng tái tạo nói chung và các dự án về điện nói riêng.

Luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký VIAC phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, với tham luận “Quy hoạch điện VIII: Hướng dẫn chi tiết và triển vọng tương lai”, TS.LS Lê Nết – Trọng tài viên VIAC cho biết Quy hoạch điện VIII được phê duyệt vừa qua kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý để phát triển lĩnh vực; nhấn mạnh cắt giảm điện than, ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Thêm vào đó, việc khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư các dự án điện cũng là giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành năng lượng tái tạo tại Quy hoạch điện VIII. Tuy Quy hoạch điện VIII đã có nhưng để thực sự đưa quy hoạch này vào đời sống thì vẫn còn nhiều thách thức lớn. Trong đó, nhà đầu tư mong đợi những hướng dẫn chi tiết về nhiều vấn đề được đề cập tại văn bản này, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cơ chế giá điện, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư,…

Toàn cảnh Hội thảo

TS.LS Lê Nết – Trọng tài viên VIAC trình bày tham luận ““Quy hoạch điện VIII: Hướng dẫn chi tiết và triển vọng tương lai”
Liên quan đến vấn đề tài chính trong dự án năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Phan Dũng Nhân - Trưởng phòng Pháp lý Cấp cao CTCP Tập đoàn Bamboo Capital chia sẻ dòng vốn vào các dự án năng lượng tái tạo hiện nay đang tương đối đa dạng và được huy động từ nhiều kênh như thị trường vốn nội địa, các khoản tài trợ, khoản vay có ưu đãi lãi suất, trái phiếu xanh từ nước ngoài. Mặt khác, việc thiếu hụt các văn bản hướng dẫn triển khai quy hoạch, nhất là các quy định mang tính thực thi liên quan đến chính sách về giá dẫn đến sự e ngại rất lớn của nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng. Rủi ro pháp lý còn quá lớn, chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn, cơ sở hạ tầng chưa tương xứng là những thách thức cần được giải quyết cấp thiết.

Ông Nguyễn Phan Dũng Nhân - Trưởng phòng Pháp lý Cấp cao CTCP Tập đoàn Bamboo Capital trình bày tham luận “Tài chính trong các dự án năng lượng tái tạo”

LS Ngô Quỳnh Anh – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH EPLegal trình bày tham luận “Tranh chấp điển hình phát sinh trong quá trình vận hành dự án năng lượng tái tạo và xu hướng giải quyết tranh chấp”
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng trao đổi, thảo luận xoay quanh chủ điểm làm sao để phát triển năng lượng tái tạo theo đúng chủ trương đề ra tại Quy hoạch điện VIII. Có thể đánh giá rằng, Quy hoạch điện VIII mở ra “cửa sáng” cho năng lượng tái tạo, nhưng để từng bước thực hiện hóa, bám sát lộ trình đã đề ra thì công cuộc này vẫn còn nhiều thách thức ở thời điểm hiện tại.

BTC và các diễn giả tại Hội thảo chụp hình lưu niệm
Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông