Theo các quy định hiện hành, ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên hiện tại đang trả lương cho viên chức, người lao động nói chung theo ngạch, bậc và trả lương tăng thêm không quá 2 lần quỹ tiền lương. Mức lương này so với mặt bằng thị trường lao động là không đủ để giữ chân nhà khoa học có uy tín.
Đây là chia sẻ của PGS. TS Đoàn Thị Phương Diệp - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) tại Hội thảo Chính sách vượt trội cho ĐHQG-HCM theo nghị quyết số 45-NQ/TW của ban chấp hành Trung Ương đảng khóa XIII về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức”, tổ chức sáng 29/11 tại UEL.
Đề xuất chính sách đột phá về tiền lương
Theo PGS.TS Phương Diệp, con người là nhân tố trung tâm của toàn bộ cơ chế hoạt động của một bộ máy tổ chức. Do vậy, việc tuyển dụng, thu hút, giữ chân người giỏi luôn là vấn đề sống còn của tổ chức, điều này đặc biệt quan trọng đối với các đơn vị nghiên cứu có chiều sâu và chiều rộng như ĐHQG-HCM.
Trong 30 năm hình thành và phát triển, ĐHQG-HCM đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu hút và giữ chân đội ngũ viên chức, người lao động tài năng; mức lương và chính sách đãi ngộ cũng thay đổi để bắt kịp với xu hướng thị trường. Chương trình VNU350 thu hút các nhà khoa học trẻ với mức lương “khủng” là một điển hình.
Song xét dưới góc độ quy định (luật), cơ chế, chính sách đặc thù về thu hút, đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng, tiền lương, môi trường làm việc… vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, đại diện tổ nghiên cứu, PGS.TS Phương Diệp đề xuất xây dựng đề án đặc thù về thu hút, đãi ngộ nhân tài, đặc biệt chính sách đột phá trong việc trả lương để thu hút và giữ chân nhà khoa học có uy tín.
PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp trình bày tham luận Chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài
“Có thể áp dụng khoản 2 Điều 12 Nghị định 60/2021/CP cho nhà khoa học có uy tín và cho tài năng khoa học trẻ. Quy định này cho phép trả “thù lao” cho chuyên gia, nhà khoa học hay người có tài năng đặc biệt vượt ra ngoài giới hạn đặt ra các quy định hiện hành. Ngoài ra, ĐHQG-HCM và các trường thành viên có thể thay đổi cơ chế trả lương, gắn với hiệu quả công việc và khả năng đóng góp của từng vị trí việc làm” - PGS.TS Phương Diệp nói.
Từ nghiên cứu về cơ chế chi trả thu nhập và tài chính của Đại học Quốc gia Singapore, TS Trần Thị Hồng Liên - Trưởng khoa Khoa Quản trị Kinh doanh, UEL nêu ý kiến: Để vượt trội, đột phá và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trẻ, nên chăng cần xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho ĐHQG-HCM. Đó sẽ là bài toán về đầu tư thay vì tự thu tự chi như hiện nay.
TS Trần Thị Hồng Liên tham gia đóng góp tại Hội thảo
Định danh khái niệm “nhân tài”
Trong khuôn khổ Hội thảo, “nhân tài” được nhắc đến nhiều lần, các nhà nghiên cứu, đại biểu tham dự có nhiều đóng góp về chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài; đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài… PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho rằng cần định danh khái niệm “nhân tài” với những tiêu chí rõ ràng cụ thể, từ đó xác định chính sách ưu tiên và đãi ngộ phù hợp.
PGS.TSKH Phạm Đức Chính - Khoa Quản trị kinh doanh, UEL đồng quan điểm: Trước khi xây dựng các đề án, chính sách, cần có cái nhìn và quan điểm rõ ràng về nhân tài, họ là ai với những điểm gì vượt trội. Bởi phần đông nhân sự của ĐHQG-HCM hiện tại đều từ Thạc sĩ trở lên với quy trình tuyển dụng và hồ sơ khoa học tốt, nhìn ở một góc độ nào đó đều là nhân tài.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, PGS.TS Lâm Quang Vinh - Trưởng Ban Ban KH&CN ĐHQG-HCM và PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật cùng chủ toạ phần thảo luận tại Hội thảo
Ngoài các chính sách tập trung vào nguồn lực con người của PGS.TS Phương Diệp còn có tham luận về "Chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài (bổ nhiệm, đánh giá, khen thưởng)" của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân - Khoa Luật Kinh tế, UEL. PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình - Viện trưởng Viện phát triển chính sách ĐHQG-HCM cũng chia sẻ về chính sách nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và đơn giản hóa thủ tục thanh toán, quyết toán đề tài nghiên cứu khoa học. TS Cao Vũ Minh - Trưởng bộ môn Luật Hành chính - Nhà nước, UEL cũng đề xuất xây dựng các chính sách đặc thù về công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư cho ĐHQG-HCM.
“Để có được những chính sách đột phá, vượt trội dành riêng ĐHQG-HCM, Ban soạn thảo đề án cần bám sát, kết nối với nội dung các văn bản, chính sách trước đó và vận dụng phù hợp với bối cảnh mới, hướng đến dự báo cho tương lai. Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQG-HCM, đầu tư kinh phí cấp học bổng cho học viên cao học, nghiên cứu sinh; hoặc bố trí các dự án, căn hộ cho tri thức trẻ, cán bộ trẻ tạo không gian để đội ngũ trí thức ĐHQG sinh hoạt, yên tâm gắn bó và cống hiến” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật chia sẻ.
Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Vũ Nam cho biết mục tiêu của hội thảo là đánh giá vai trò, hiện trạng đóng góp của ĐHQG-HCM trong hệ thống giáo dục đại học ở nước ta, làm rõ những khó khăn, vướng mắc mà ĐHQG-HCM gặp phải trong quá trình khẳng định vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam. Từ đó, hình thành những giải pháp, kiến nghị đề xuất mang tính vượt trội, đột phá để tháo gỡ.
Phó Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu đề dẫn, chỉ đạo tại Hội thảo
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa nhấn mạnh cần làm rõ khái niệm "nhân tài" trong các đề án, chính sách vượt trội của ĐHQG-HCM
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đề xuất các chính sách về nhóm nghiên cứu mạnh và đẩy mạnh các dự án, căn hộ dành cho đội ngũ tri thức của ĐHQG-HCM
Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông